Đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo CNTT trình độ đại học giai đoạn 2021-2025
1/GIỚI THIỆU TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ VÀ QUẢN LÝ HỮU NGHỊ - ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ ĐỀ ÁN
* Tên tổ chức chủ trì Đề án: Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (viết tắt là UTM)
* Người đại diện: PGS.TS. Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng
* Lĩnh vực hoạt động, Quá trình hình thành và phát triển; Thành tựu kinh nghiệm:
* https://utm.edu.vn/gioi-thieu
Trường Đại học UTM được thành lập theo Quyết định số 1702/QĐ-TTg ngày 21/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Với sứ mệnh “Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị cam kết xây dựng hệ thống đào tạo sáng tạo, đa dạng và chất lượng, phương pháp học tập linh hoạt, mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo cho người học có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tố chất cần thiết để trở thành những con người thành đạt, hữu ích trong xã hội.”
Đào tạo nhân lực CNTT ở trình độ đại học và sau đại học nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tế, phục vụ cho sự phát triển của đất nước là nhiệm vụ quan trọng nhất của trường. Trường đã và đang đào tạo 11 khóa sinh viên đại học các ngành CNTT, có trên 500 sinh viên tốt nghiệp, làm việc ở khắp nơi trong nước và trên thế giới, đươc các doanh nghiệp đánh giá cao.
Năm 2018 trường được Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Hiệp Hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam Công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành.
2/ CƠ SỞ CỦA ĐỀ ÁN
Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;
Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”;
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4,
Đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ đại học giai đoạn 2021-2025 của Trường Đại học UTM (sau đây gọi tắt là Đề án) được xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đạo tạo nêu trong công văn 5444 ngày 16/11/2017 nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của thị trường lao động và xu hướng hội nhập quốc tế. Đề án tập trung vào việc đào tạo nhân lực CNTT trình độ đại học nhằm cung cấp được 1250 sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập lực lượng nhân lực có trình độ về CNTT trong giai đoạn 2021-2025, góp phần bổ sung nhân lực cho các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nghiên cứu và ứng dụng CNTT, phục vụ cho việc phát triển nền công nghiệp 4.0 của đất nước.
3/ NỘI DUNG ĐỀ ÁN
- Ngành đào tạo: Công nghệ thông tin
- Trình độ: Đại học
3.1 Mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo
3.1.1 Mục tiêu đào tạo
Sinh viên tốt nghiệp chương trình cử nhân CNTT Tiên tiến được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm và tác phong để trở thành lập trình viên trong môi trường quốc tế, có thể làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất phần mềm đa quốc gia.
Cử nhân tốt nghiệp chương trình CNTT tiên tiến được rèn luyện toàn diện về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, có sức khỏe và phong cách giao tiếp tốt trong môi trường đa văn hóa.
Sinh viên có thể làm trong các tập đoàn lớn về CNTT của Việt Nam như Viettel, CMC, FPT, VNPT..., các doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở Việt Nam cũng như có cơ hội lớn tham gia các dự án của các doanh nghiệp ở Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, các nước Châu Âu, Mỹ,...
3.1.2. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo
3.1.2.1 Kiến thức
- Chương trình được thiết kế theo chuẩn quốc tế với thời gian thực hành tương đương với thời gian học lý thuyết, làm việc theo nhóm trong 4 dự án phần mềm và thời gian thực tập thực tế (có thể được trả lương) tại các doanh nghiệp phần mềm.
- Chương trình gồm các kiến thức cơ bản ngành CNTT như hệ điều hành, phần mềm, phần cứng, các ứng dụng trên nền tảng PC và Mobile… đến các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về các công nghệ như PHP, Java, .NET, Python… để có thể phân tích, thiết kế, phát triển các ứng dụng thông minh trên nền tảng website, mobile, enterprise,...
- Xây dựng được các ứng dụng quản lý như: Bán hàng, kho bãi, kế toán, nhân sự, thư viện, bệnh viện hoặc thậm chí các ứng dụng lớn như ERP.
- Phát triển các ứng dụng webite như: Website thương mại điện tử, website doanh nghiệp, dịch vụ web phục vụ cho các ứng dụng phân tán.
- Phát triển các ứng dụng về mobile trên nền tảng Android và iOS.
- Phân tích và quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ truyền thống như MySQL, SQL Server,… và các cơ sở dữ liệu phi quan hệ.
- Trang bị các kiến thức cơ bản cho chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, có năng lực úng dụng các công nghệ 4.0 vào các phần mềm ứng dụng: AI, BigData, IoT, Blockchain…
3.1.2.2 Kỹ năng
a) Kỹ năng cứng
- Nắm vững kiến thức chuyên môn có khả năng khảo sát, thiết kế, triển khai, vận hành hệ thống CNTT và các hệ thông nhúng một cách an toàn trong bối cảnh doanh nghiệp, xã hội và môi trường;
- Làm chủ công nghệ AI: Công nghệ AI phản ứng, Công nghệ AI với bộ nhớ hạn chế, Lý thuyết trí tuệ nhân tạo, Tự nhận thức
- Khả năng xử lý dữ liệu lớn
- Làm chủ được công nghệ IOT
- Phát triển ứng dụng phân tán
- Phát triển ứng dụng di động
- Quản lý dự án công nghệ thông tin
b) Kỹ năng mềm
- Giao tiếp đa văn hóa.
- Lắng nghe, trình bày, thảo luận, thuyết phục, tôn trọng, trợ giúp, chia sẻ với các thành viên trong và ngoài tổ chức.
- Tổ chức và điều hành hoạt động nhóm làm việc hiệu quả, sẵn sàng hợp tác trong công việc và thiết lập các mối quan hệ công việc với đồng nghiệp và khách hàng.
- Sử dụng tổng hợp các kỹ năng trong giao tiếp như: Lắng nghe, đàm phán, đặt câu hỏi, thuyết trình, xử lý các phản hồi của khách hàng và giao tiếp qua điện thoại.
- Thực hiện kết hợp giữa kỹ năng “cứng” và kỹ năng “mềm” trong giải quyết công việc được giao đạt hiệu quả cao.
3.1.2.3 Ngoại ngữ
Giao tiếp, đọc, hiểu, viết tốt một trong các ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn; có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong chuyên môn. Đạt trình độ theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT hoặc các loại bằng cấp ngoại ngữ quốc tế tương đương.
3.1.2.4 Thái độ
- Hình thành được lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức và lối sống lành mạnh. Nắm vững đường lối chủ chương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nói chung và của doanh nghiệp công nghệ thông tin nói riêng.
- Có tinh thần lao động say mê, sáng tạo, lòng yêu nghề; ý thức vì cộng đồng và bảo vệ môi trường.
- Thực hiện được hành vi đạo đức nghề nghiệp tốt, tác phong chuyên nghiệp, khiêm tốn, giản dị trong sinh hoạt; sống lạc quan, giàu hoài bão, trung thực, cẩn thận, thẳng thắn, khách quan.
- Có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, biết phát huy các giá trị văn hóa doanh nghiệp.
- Có ý thức cập nhật kiến thức mới; Ứng dụng sáng tạo những tiến bộ khoa học trong công việc được giao.
3.2 Các nội dung hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đối tác và trách nhiệm của mỗi bên
3.2.1 Các doanh nghiệp hợp tác với Nhà trường
Hiện Nhà trường triển khai hợp tác với các doanh nghiệp bao gồm:
- Trung tâm Đào tạo và chuyển giao Công nghệ tin học;
- Công ty cổ phần và phát triển CNTT Việt Nhật;
- Công ty Cổ phần đầu tư và phát triền truyền thông quốc gia AVA;
- Công ty CP Công nghệ Just In Time Solutions;
- Công ty TNHH đầu tư và giải pháp công nghệ Tân Phúc;
- Công ty cổ phần Công nghệ Xử lý Thông tin;
- Công ty cổ phần Công nghệ Chọn lọc thông tin;
- Công ty Công nghệ Thiên An......
3.2.2 Nội dung hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đối tác và trách nhiệm của mỗi bên
3.2.2.1 Nội dung hợp tác
Hai bên phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực trong quá trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trình độ đại học theo hướng dẫn tại Công văn 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, thực hành, thực tập và giảng viên tham gia đào tạo.
3.2.2.2 Trách nhiệm của Nhà trường
Chịu trách nhiệm về nội dung và tổ chức hoạt động đào tạo theo khung chương trình đã công bố công khai và theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đáp ứng yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng thực tập, thực hành tại bên B.
Phối hợp với bên B thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm, phân tích, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động.
Rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo CNTT theo hướng ứng dụng, mở, liên thông gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn. Các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng về CNTT. Các học phần tự chọn là các hướng đào tạo chuyên sâu CNTT ứng dụng.
Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo, áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp (blended learning) và đào tạo thực hành tại doanh nghiệp. Triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến dùng chung, xây dựng nguồn tài nguyên dùng chung (đặc biệt kho học liệu điện tử dùng chung).
Nghiên cứu việc công nhận một số học phần mà người học tích lũy được từ các khóa đào tạo cấp chứng chỉ CNTT tương đương với một số môn học, tín chỉ trong chương trình đào tạo.
Đảm bảo thời gian đào tạo thực tế cho sinh viên (ít nhất 30% tổng thời gian đào tạo).
3.2.2.3 Trách nhiệm của các doanh nghiệp
a) Cung cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nhiệm, phòng thực hành và phần mềm phục vụ việc nâng cao kỹ năng thực hành, ứng dụng thực tiễn cho sinh viên của Trường.
b) Cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của sinh viên và tuyển dụng sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp.
c) Phối hợp với bên A trong việc thực hiện công tác dự báo nhu cầu về số lượng, yêu cầu về chất lượng đối với nhân lực CNTT trên thị trường lao động; phối hợp đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo CNTT.
3.3 Quy định về tuyển sinh và quy định về chuyển ngành, chuyển trường đối với ngành đào tạo áp dụng cơ chế đặc thù
Mở rộng đối tượng tuyển sinh các ngành CNTT
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT trong và ngoài nước, đáp ứng đủ tiêu chuẩn học đại học theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và điều kiện tuyển sinh của Trường Đại học UTM trong năm tuyển sinh (Theo đề án tuyển sinh của Nhà trường).
Sinh viên đã hoặc đang học đại học ở các trường khác trong và ngoài nước, hoặc các ngành khác trong trường, đáp ứng được điều kiện tuyển sinh của Trường Đại học UTM trong năm tuyển sinh.
Sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng về CNTT trong và ngoài nước đáp ứng được điều kiện tuyển sinh của Trường Đại học UTM trong năm tuyển sinh.
Sinh viên đã tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước, đặc biệt là các ngành Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, muốn học thêm văn bằng đại học về CNTT.
Chỉ tiêu tuyển sinh các năm
TT |
Năm học |
Chỉ tiêu |
Ghi chú |
1 |
2021 |
250 |
|
2 |
2022 |
250 |
|
3 |
2023 |
250 |
|
4 |
2024 |
250 |
|
5 |
2025 |
250 |
|
3.4 Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, nội dung chương trình và phương thức đào tạo
Phụ lục gửi kèm
3.5 Các giải pháp, minh chứng đảm bảo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Các giải pháp và minh chứng đảm bảo việc làm
Trường hiện có Trung tâm hợp tác và Phát triển Đào tạo, Phòng Công tác sinh viên làm đầu mối kết nối các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc làm của sinh viên.
Thường xuyên triển khai các hoạt động tư vấn, hướng dẫn cho sinh viên kỹ năng viết CV và làm hồ sơ xin việc, kỹ năng trình bày và trả lời phỏng vấn tuyển dụng; tổ chức và tham gia các hoạt động job fair.
Kết quả khảo sát dự báo nhu cầu nguồn nhân lưc ngành CNTT hiện nay của một số tập đoàn lớn (nguồn Internet)
1) Vingroup vừa chính thức “rút chân” khỏi mảng bán lẻ bằng việc chuyển giao VinCommerce và VinEco về Masan để tập trung dồn nguồn lực cho 2 mảng chủ lực mới là sản xuất công nghiệp và công nghệ thông tin. Với việc chuyển hướng này, Vingroup sẽ cần hàng chục ngàn nhân lực CNTT. Trước đó, Vingroup đã “đặt hàng” 50 trường đại học đào tạo khoảng 100.000 nhân lực CNTT và cấp 1.100 học bổng toàn phần đi nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ.
2) Tại VNPT, hiện số nhân lực CNTT làm việc tại đây khoảng 1.500 người và dự kiến tới năm 2025, VNPT cần khoảng 5.000 kỹ sư CNTT.
3) FPT cho biết, 3 năm tới sẽ thu hút thêm 10.000 - 20.000 nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển, triển khai dịch vụ chuyển đổi số của khách hàng trên toàn cầu.
4) Còn Viettel, mỗi năm cần tuyển dụng 500 - 1.000 kỹ sư cho các dự án lớn về Big Data, AI, công nghệ hàng không vũ trụ, toán học ứng dụng…
5) Theo TopDev, năm 2020, nguồn nhân lực CNTT sẽ thiếu khoảng 100.000 người. Cụ thể, năm 2020 sẽ cần khoảng 400.000 nhân lực, nhưng chỉ đáp ứng được 300.000 nhân lực. Đến năm 2021 sẽ thiếu khoảng 190.000 nhân lực.
4. KẾT LUẬN:
Với việc đào tạo định hướng theo nhu cầu công việc;
Với kinh nghiệm triển khai các chương trình đào tạo đại học ngành CNTT trong hơn 10 năm qua;
Với chất lượng đào tạo được đảm bảo thể hiện qua tỷ lệ sinh việc có việc làm ngay sau khi ra trường luôn đạt mức trên 96%, trong đó có cả những sinh viên đã tự khởi nghiệp được thành công;
Đã có những mối liên hệ kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp CNTT và các trường đại học trong nước và trên thế giới;
Với tâm huyết và quyết tâm cao trong việc “nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho đông đảo người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ của đất nước”,
Trường Đại học UTM tự thấy đáp ứng đầy đủ điều kiện cần thiết để tham gia tích cực vào công cuộc phát triển nhân lực CNTT chung của đất nước. Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công văn số 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017, Trường xây dựng Đề án này làm cơ sở áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ đại học giai đoạn 2020-2025 để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
PHỤ LỤC:
* Khung CTĐT đại học ngành Công nghệ thông tin theo cơ chế đặc thù.
* Danh sách các doanh nghiệp ký MOU và tuyển dụng sinh viên của trường.
* Đề án tuyển sinh năm 2021 bao gồn: Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, Báo cáo thống kê tỷ lệ sinh viên các ngành CNTT có việc làm.