Ngày hội sách UTM 2024: Sách - Hành trình thắp sáng cuộc đời
Hưởng ứng, tiến tởi kỷ niệm 10 năm ngày Sách và văn hoá đọc Việt Nam 21/4, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị tổ chức "Ngày hội sách UTM 2024: Sách - Hành trình thắp sáng cuộc đời" nhằm duy trì, phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng; xây dựng, hình thành văn hoá đọc trong Nhà trường; giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách, những tác phẩm hay, có ý nghĩa cũng như khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, rèn luyện thói quen đọc sách trong thực tiễn thông qua các hoạt động.
Cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị tham gia ngày hội sách UTM 2024
Sách là giá trị tinh thần vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, là kho tàng tri thức vô tận và là ánh sáng dẫn bước đi đến tương lai. Văn hóa đọc là một trong những truyền thống quý báu cần được phát huy để có thể phát triển bền vững. Nhận thấy tầm quan trọng, vào ngày 24/2/2014 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm làm ngày Sách Việt Nam. Việc làm này có ý nghĩa to lớn giúp nhân dân có thể phát huy được toàn vẹn tri thức, kỹ năng và vẫn giữ được bản sắc hiếu học từ bao đời của dân ta.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị tham gia ngày hội sách UTM 2024
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị tham gia ngày hội sách UTM 2024
Tham dự chương trình có đại diện Ban giám hiệu Nhà trường, các cán bộ giảng viên, đông đảo các em sinh viên cùng các khách mời đặc biệt là những nhân chứng sống minh chứng cho việc thói quen đọc sách đã làm thay đổi cuộc đời họ.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị tham gia ngày hội sách UTM 2024
Tại chương trình, TS Phạm Kim Thư - Phó hiệu trưởng Nhà trường đại diện lãnh đạo Nhà trường lên phát biểu khai mạc chuỗi các hoạt động hưởng ứng "Ngày hội sách UTM 2024: Sách - Hành trình thắp sáng cuộc đời", TS Phạm Kim Thư cho biết theo số liệu thống kê mỗi người Việt Nam chỉ đọc trung bình 1,2 quyển sách trong một năm, trong khi tại các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Singapore ….trung bình số quyển sách đọc trong một năm của một người dân dao động từ 15-25 quyển sách. Thầy Thư cho biết sách là tri thức, thế hệ trẻ ngày nay cần thường xuyên đọc sách để tăng cường kiến thức cho bản thân, giúp phát triển bản thân, xa hơn là phát triển đất nước….Thông qua sự kiện này, Nhà trường sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực, khơi dậy hứng thú đọc đồng thời xây dựng phong trào đọc sách sâu rộng đối với viên chức, người lao động và người học toàn trường.
TS Phạm Kim Thư - Phó hiệu trưởng Nhà trường Nhà trường lên phát biểu khai mạc
Cũng tại "Ngày hội sách UTM 2024" các khách mời đã chia sẻ tới sinh viên nhà trường các bí quyết để xây dựng lên thói quen đọc sách, kỹ năng chọn sách để đọc, kỹ năng đọc sách, đặc biệt chia sẻ về việc xây dựng thói đọc sách đã làm thay đổi cuộc đời họ thể nào…..
Khách mời chia sẻ về vai trò, ý nghĩa, bí quyết việc hình thành thói quen đọc sách tới các bạn sinh viên trong ngày Hội sách UTM 2024.
Với mục đích cao cả là tôn vinh sách, giá trị của văn hóa đọc, khẳng định vị thế xã hội, tầm quan trọng của sách - một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần; khuyến khích đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong học đường. Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức hàng năm sẽ là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường về giá trị, vai trò và tầm quan trọng của sách, thư viện và văn hoá đọc; nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách trong công tác, học tập, nghiên cứu, giảng dạy; xây dựng "văn hoá đọc" để rèn luyện và hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức, năng lực cá nhân./.
Châu Nguyên